Last Updated on 08/05/2024 by daiphong
Phân cấp hoàn toàn cho chính quyền địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp đến thành lập/mở rộng cụm công nghiệp, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp…
Nghị định số 32/CP là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng công nghiệp hoá ở khu vực nông thôn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương; Bảo đảm cho chính quyền địa phương có đủ công cụ, điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng quản lý cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn theo tinh thần của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển cụm công nghiệp ( ảnh: cụm công nghiệp Yên Dương – Ý Yên )
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đơn cử về điểm mới của Nghị định số 32/CP: “Đối tượng, nội dung của Nghị định này là các doanh nghiệp, HTX tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Về đối tượng có điều chỉnh, tức là tổ chức đầu tư kinh doanh hạ tần CCN. Đây là một nội dung mới của Nghị định 32 co với NĐ 68/CP. Trước đây NĐ 68 quy định đối với địa bàn khó khăn, không thu hút được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thì giao cho Trung tâm phát triển CCN, rồi giao cho Ban quản lý cấp huyện, giao cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương… nhưng theo Nghị định 32/CP, từ 1/5/2024 là không có quy định này mà chuyển sang các tổ chức, doanh nghiệp, HTX đầu tư kinh doanh hạ tầng.
Điều này vừa đảm bảo quy định pháp luật về đất đai, các pháp luật khác và tinh thần là chúng ta chuyển sang phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, đối với những vùng khó khăn, địa bàn khó khăn, không thu hút được doanh nghiệp thì chúng ta tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ. Ví dụ, về các chính sách liên quan đến ưu đãi về thuế, về miễn, giảm tiền thuê đất, chính sách hỗ trợ hạ tầng… chúng ta vẫn duy trì chính sách tài khóa để khắc phục, tháo gỡ, hỗ trợ đối với các vùng này”.
Nghị định số 32 về quản lý, phát triển CCN đã kịp thời tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập mới các CCN, nhất là các quy định về việc xác định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN… Mặc dù vậy vẫn còn những địa phương băn khoăn đến trình tự, thủ tục và hướng dẫn triển khai Nghị định này.